CÔNG TY LUẬT DL PINNACLE luôn có bộ phận thường trực sẵn sàng để hỗ trợ nhu cầu của bạn bất kỳ khi nào bạn phát sinh nhu cầu (24/7 kể cả ngày nghỉ lễ).
GẶP TAI NẠN TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN NƠI LÀM VIỆC CÓ ĐƯỢC XEM LÀ TAI NẠN LAO ĐỘNG?
Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
1. Gặp tai nạn trên đường đến nơi làm việc có được xem là tai nạn lao động?
Tai nạn trên đường đến nơi làm việc là rủi ro không thể lường trước được mà người lao động có thể gặp phải. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, đời sống tinh thần và đặc biệt là khả năng lao động của người lao động. Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp này có thể được xem là tai nạn lao động nếu người lao động gặp tai nạn ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
2. Điều kiện để người lao động gặp tai nạn trên đường đến nơi làm việc được hưởng chế độ tai nạn lao động
Căn cứ theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau:
Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Gặp tai nạn trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
3. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động gặp tai nạn trên đường đến nơi làm việc
Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu có căn cứ xác định tai nạn là do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động:
Ít nhất bằng 0.6 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0.16 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
Ít nhất 12 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc tử vong.
Trường hợp xác định nguyên nhân hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị tai nạn và không có nguyên nhân nào khác thì pháp luật hiện hành không quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp cho người lao động. Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải chi trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị đối với trường hợp này.
Ngoài ra, nếu người lao động bị tai nạn giao thông bởi các nguyên nhân sau thì người lao động cũng sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động:
Do mâu thuẫn với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến thực hiện công việc;
Do cố ý tự hủy hoại sức khỏe;
Do dùng ma túy, chất gây nghiện khác trái pháp luật.
Như vậy, gặp tai nạn trên đường đến nơi làm việc được xem là tai nạn lao động nếu người lao động gặp tai nạn khi di chuyển trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Pháp luật hiện hành không có quy định hoặc giải thích cụ thể như thế nào là “khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý”. Do đó, trách nhiệm đánh giá nội dung này sẽ được giao cho Đoàn điều tra tai nạn lao động xác minh và xem xét.
CÔNG TY LUẬT TNHH DL PINNACLE
Địa chỉ: Tầng 3, 18A/76 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh