1. Việt kiều là ai?
Cơ sở pháp lý.
Căn cứ theo Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008, Việt kiều bao gồm 02 đối tượng sau:
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài: Cá nhân vẫn còn quốc tịch Việt Nam và hiện đang cư trú, sinh sống ở nước ngoài.
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài: Cá nhân đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống, làm việc tại nước ngoài.
2. Việt kiều có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?
Cơ sở pháp lý.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2023 và khoản 1 Điều 44 Luật Đất đai năm 2024, Việt kiều thuộc một trong các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Đồng thời, pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào giới hạn số lượng nhà ở mà Việt Kiều được sở hữu tại Việt Nam.
3. Điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam của Việt kiều
3.1. Cơ sở pháp lý.
Căn cứ Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định 95/2024/NĐ-CP, Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Được phép nhập cảnh vào Việt Nam;
- Có các tài liệu để chứng minh quyền được sở hữu nhà ở theo quy định.
3.2. Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhà ở
Trường hợp Việt kiều là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài: Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm tạo lập nhà ở.
Trường hợp Việt kiều là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài:
- Hộ chiếu nước ngoài còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở;
- Giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.
3.3. Giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam bao gồm:
- Giấy tờ về nhân thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Giấy tờ được cấp trước đây để chứng minh đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch được xác định theo nguyên tắc huyết thống;
- Giấy tờ để chứng minh có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam.
- Bản sao giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975;
- Bản sao giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956;
- Bản sao giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi đang cư trú, xác nhận có gốc Việt Nam;
- Bản sao giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, xác nhận có gốc Việt Nam;
- Bản sao giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.
4. Hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của Việt Kiều
Cơ sở pháp lý.
Căn cứ Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024, Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo những hình thức sau:
- Mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;
- Nhận thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.
5. Việt Kiều có được cho thuê nhà ở của họ tại Việt Nam không?
Cơ sở pháp lý.
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở năm 2023, trường hợp Việt kiều là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được phép bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu của họ theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 44 Luật Đất đai năm 2024, trường hợp Việt kiều là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì họ không có quyền cho thuê nhà ở của họ tại Việt Nam.
Kết luận
Như vậy, Việt kiều hoàn toàn có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý. Việc nắm rõ các quy định pháp luật về sở hữu nhà ở không chỉ giúp Việt kiều thực hiện quyền lợi của mình một cách hợp pháp mà còn góp phần đảm bảo quyền lợi lâu dài trong quá trình đầu tư, an cư hoặc đoàn tụ với gia đình tại Việt Nam. Vì vậy, trước khi thực hiện giao dịch, Việt kiều nên tìm hiểu kỹ các quy định hoặc tham khảo ý kiến tư vấn từ các chuyên gia pháp lý để tránh rủi ro không đáng có.
Thông tin liên hệ
CÔNG TY LUẬT TNHH DL PINNACLE
Địa chỉ: Tầng 3, 18A/76 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0914.491.911
Email: info@dlpinnacle.vn
Website: https://www.dlpinnacle.vn